vi-VNen-US
Báo động nguy cơ rối loạn tâm thần ở trẻ em - Kỳ 2
Cập nhật ngày: 19/04/2024

Theo các chuyên gia, mặc dù nguyên nhân gây ra rối loạn tâm thần, tự tử ở trẻ em rất đa dạng và đáng báo động nhưng đa số đều có thể đề phòng với các biện pháp theo dõi, quan sát tế nhị và sát sao, xử lý thích đáng và kịp thời, tránh những sự việc đáng tiếc.

 Ngăn ngừa rối loạn tâm thần tuổi vị thành niên

Khi con bày tỏ cảm xúc bất thường, bi quan, chán nản… rất có thể đó là tín hiệu “kêu cứu” mà cha mẹ phải đặc biệt lưu tâm (Ảnh: Đức Dương).

Cần sớm nhận biết các dấu hiệu nguy cơ

Từ kinh nghiệm thực tế trên 30 năm chuyên ngành chăm sóc sức khỏe tâm thần, thầy thuốc nhân dân, PGS, TS Phạm Đức Thịnh, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, trẻ có rất nhiều dấu hiệu trầm cảm có thể dẫn tới rối loạn tâm thần và phụ huynh có thể nhận diện qua các hành động khác lạ của con.

Như: Mất hứng thú hoặc sở thích cho các hoạt động; mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân; rối loạn giấc ngủ; rối loạn hoạt động tâm thần vận động; giảm sút năng lượng, khí sắc giảm; có hành vi bạo lực, đập phá, đánh nhau, không kiềm chế được cảm xúc, hành vi; thay đổi cá tính bất ngờ, hay cáu gắt, cãi cha mẹ, cẩu thả trong cách ăn mặc.

Một số em thì than thở, buồn chán, nghĩ mình đầy tội lỗi xấu xa, cảm thấy bất tài vô dụng, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

Ngoài ra, do áp lực học hành, thi cử hoặc trong bối cảnh gia đình có những biến động bất thường: bố mẹ ly hôn, ly thân hoặc người thân mất… thì trẻ dễ đối diện với nguy cơ trầm cảm. Nhận diện các dấu hiệu bất thường là “chìa khóa” giúp trẻ vượt qua những vấn đề về tâm lý.

“90% trường hợp có biểu hiện rối loạn tâm thần bộc lộ ít nhất một biểu hiện ra ngoài. Các cha mẹ nên giành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ cùng con như những người bạn.

Ngay khi phát hiện con có những biểu hiện bất thường, nhẹ thì cha mẹ cần tìm tới sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý, nặng thì đưa con đến khám để được tư vấn ở các bệnh viện chuyên khoa  để tránh những sự việc đáng tiếc”, PGS, TS Phạm Đức Thịnh lưu ý.

BS Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia cảnh báo, rất nhiều cha mẹ chưa thật sự nhận thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh khi con có những dấu hiệu bất thường.

Điều đáng tiếc là khi trẻ chớm bộc lộ ý nghĩ về trầm cảm, tự sát, chán sống... thì cha mẹ lại gạt đi và cho rằng tuổi ẩm ương nên tính khí thất thường, một thời gian sau sẽ tự hết.

“Khi con bày tỏ cảm xúc bất thường, bi quan, chán nản, bị rối loạn giấc ngủ, ăn uống… có thể đó là tín hiệu “kêu cứu” mà cha mẹ phải đặc biệt lưu tâm. Khi bắt được tín hiệu này, cha mẹ nên hỏi han, khơi gợi để con nói ra những bất an, sự đau khổ, tuyệt vọng của mình rồi nhờ chuyên gia tâm lý tư vấn”, BS Yến đưa ra lời khuyên.

PGS, TS Phạm Đức Thịnh, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, trẻ có rất nhiều dấu hiệu trầm cảm có thể dẫn tới rối loạn tâm thần (Ảnh: Thùy Hương)

Cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội

Theo các chuyên gia, không phải trẻ nào cô đơn, trầm cảm cũng tự sát. Nhưng việc các em cô đơn và đứt gãy các mối quan hệ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sang chấn về mặt tâm lý và sức khỏe tâm thần.

Vì thế, cha mẹ và giáo viên cần tránh để con cảm thấy cô đơn và không có ai để chia sẻ, thấu hiểu trong chính ngôi nhà, lớp học của mình. Bởi gia đình, nhà trường là môi trường gần trẻ nhất.

Nếu không được gia đình, thầy cô, bạn bè thấu hiểu, các em sẽ cảm thấy bị cô lập, dễ bị sang chấn tâm lý, chệch hướng suy nghĩ và hành động dẫn đến những hậu quả rất đáng tiếc.

PGS, TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai nêu quan điểm: “Chúng ta phải kết hợp đa ngành, đa nghề, đa chuyên khoa để chia sẻ, hỗ trợ bệnh nhân. 

Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Không bắt buộc phải là các bác sĩ, chuyên gia mà phụ huynh, giáo viên cũng cần có kiến thức phát hiện để hỗ trợ trẻ về tâm lý, nhận biết các yếu tố nguy cơ, từ đó ngăn chặn hành vi tự sát của trẻ”.

Chia sẻ về cách giúp trẻ vượt qua trầm cảm, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh đến việc cha mẹ phải là người cứu con mình trước khi trông chờ vào các dịch vụ bên ngoài.

“Cha mẹ nên dành nhiều thời gian cho con hơn, trò chuyện để hiểu con hơn. Để chăm sóc và bảo vệ con tốt hơn ngay trong chính môi trường gia đình thì cha mẹ phải trở thành người bạn tin cậy của con”, ông Nam nói.

Theo TS xã hội học Phạm Thị Thúy, những vụ trẻ vị thành niên tự tử là tiếng chuông cảnh báo chúng ta cần quan tâm hơn đến cảm xúc, suy nghĩ của con trẻ. Những cảm xúc tiêu cực dồn nén lâu ngày có thể đến từ áp lực học tập, từ trong mối quan hệ với phụ huynh, thậm chí có thể từ áp lực của chính trẻ...

“Cha mẹ, giáo viên cần giảm bớt áp lực học tập cho trẻ; cần học cách kết nối giao tiếp tích cực với các con, tạo ra nhiều niềm vui trong gia đình, lớp học; tạo nhiều cơ hội cho trẻ được làm việc phục vụ cộng đồng như chăm sóc trẻ mồ côi, làm từ thiện, bảo vệ môi trường...

Khi tìm được niềm vui, ý nghĩa cuộc sống, trẻ sẽ có mục tiêu phấn đấu, có sự gắn kết với cuộc sống hơn, trân trọng cuộc sống hơn”, chuyên gia này chia sẻ.

Theo dansinh.dantri.com.vn