vi-VNen-US
Báo động nguy cơ rối loạn tâm thần ở trẻ em
Cập nhật ngày: 15/04/2024

Cuộc sống hiện đại, áp lực học tập, tâm sinh lý thay đổi… khiến trẻ em ngày nay rất dễ bị trầm cảm, rối nhiễu tâm trí, rối loạn tâm thần. Nếu không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và đúng cách, các em rất dễ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, thậm chí tự tử.

Kỳ 1: Trẻ em bị rối loạn tâm thần có xu hướng tăng

Trong những năm gần đây, số lượng trẻ vị thành niên đến khám sức khỏe tâm thần ngày càng tăng, là một trong những vấn đề y tế đáng lo ngại ở Việt Nam

Mùa thi đến gần, cha mẹ lại thêm nỗi lo con rơi vào trạng thái trầm cảm do áp lực học năm cuối cấp (Ảnh: Thùy Hương).

Nhiều học sinh nhập viện vì trầm cảm

Vào cuối tháng 3/2022, nữ sinh lớp 9 đã tử vong sau khi rơi từ tầng 26 chung cư ở Hà Nội; một nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh tìm đến cái chết bằng cách treo cổ tại nhà… nguyên nhân đều liên quan đến việc học.

Ám ảnh nhất là trường hợp nam sinh L.N.N.M. (SN 2006) học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chịu nhiều áp lực học tập, có hôm phải học tới 3-4 giờ sáng nhưng không nhận được sự động viên, cảm thông đúng mực từ phụ huynh đã dại dột nhảy lầu tại một chung cư tại quận Hà Đông (Hà Nội) ngay trước mặt bố.

Thời gian gần đây, tại các bệnh viện đều ghi nhận sự gia tăng đáng kể của bệnh nhân trầm cảm trẻ tuổi, đa số là học sinh. Đơn cử như Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ tuổi cấp cứu do tự tử vì nhiều lý do như: Ấm ức, tủi thân vì bị cha mẹ đánh, cha mẹ chưa hiểu mình hoặc bị bạn bè trêu chọc, điểm kém...

Mới đây, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi nhập viện do tự tử bằng thuốc giảm đau liều cao. Được biết, trẻ cảm thấy thất vọng vì bản thân không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ, lại thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với gia đình do bất đồng quan điểm về phong cách sống và định hướng tương lai. 

Một trường hợp khác là bệnh nhi 14 tuổi đã uống thuốc ngủ tự tử sau khi bị mẹ đánh mắng. Rất may cả hai trường hợp này đều được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội), mẹ của bệnh nhân L. S. (SN 2006 tại huyện Yên Thành, Nghệ An) cho biết: Từ khi bước vào học kỳ II lớp 12, S. rơi vào trạng thái trầm cảm nặng do áp lực học hành năm cuối cấp.

Đến gần kỳ thi tốt nghiệp THPT, S. luôn sống trong trạng thái lo sợ, buồn rầu, dễ khóc. Đáng lo hơn, S. luôn nghĩ mình vô dụng, không đáng sống và có lúc nghĩ đến cái chết. Một thời gian sau, em bị rối loạn tâm thần, gia đình phải đưa em vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị. 

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán S. bị rối loạn hành vi trầm cảm có yếu tố tiền sử. Sau hơn 1 tháng tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, bệnh tình của S. có nhiều tiến triển nhưng chưa được xuất viện vì cần phải theo dõi thêm.

Em Trần Văn T. học sinh lớp 9 trường THCS Võng Xuyên B thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đang điều trị tại một bệnh viện tâm thần cho biết: Em bị trầm cảm, rối loạn hệ cảm xúc do áp lực thi cử, thường xuyên có biểu hiện hoang tưởng khi hay nói nhảm, nghĩ xấu, đổ tội cho người khác.

Hay như trường hợp em Vũ Thị H. (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) thường xuyên có các biểu hiện như: Bồn chồn, khó ngủ, lo lắng, hay khóc… Tình trạng này diễn ra liên tục khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần nên gia đình phải đưa em vào viện.

Bệnh nhân được xác định bệnh lý rối loạn tâm thần có liên quan đến stress do áp lực học tập căng thẳng, cùng với đó là sự thất bại trong mối quan hệ tình cảm và sự kỳ vọng của cha mẹ đã khiến em mất ngủ nhiều đêm. Qua kết quả test, nữ sinh có dấu hiệu trầm cảm và có hành vi làm hại bản thân nên phải ở lại điều trị nội trú tại bệnh viện 2 tuần nay.

TS, BS Lê Công Thiện, Trưởng phòng Tâm thần nhi và trẻ vị thành niên (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia) cho biết: Nếu trước đây chỉ khoảng 20-30 bệnh nhân đến khám/ngày thì gần đây, tỷ lệ bệnh nhân đến khám tại bệnh viện ngày càng tăng.

Có ngày viện tiếp nhận khoảng 200 lượt bệnh nhân đến khám về các vấn đề tâm lý, tâm thần, trong đó có rất nhiều bệnh nhân ở lứa tuổi thanh, thiếu niên với các biểu hiện: Căng thẳng, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, loạn thần...

Cũng theo BS Thiện, điều đáng lo ngại là trường hợp trẻ vị thành niên tự tử do mắc các chứng rối loạn tâm thần thường cao hơn so với người lớn.

Trầm cảm tuổi học đường - Vì đâu nên nỗi?

Theo BS Lê Công Thiện, trầm cảm ở lứa tuổi học đường có thể do nhiều nguyên nhân. Ngoài những rối loạn về mặt sinh học có thể do di truyền, thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc giải phẫu não bộ hay thay đổi nồng độ hormone, sức khỏe tâm thần cũng có thể bị tác động bởi các yếu tố tâm lý xã hội gây căng thẳng.

Đặc biệt các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ dễ mắc bệnh như: Những người từng bị bạo hành, trước đó từng có những vấn đề về tâm lý, bệnh lý tâm thần… Trong các nguyên nhân tự tử của trẻ vị thành niên, 90% do các bệnh lý về tâm thần, trong đó trầm cảm nội sinh đứng đầu.

Còn theo chuyên gia tâm lý, TS Nguyễn Thị Hương, một số trẻ tự tử vì không giải tỏa được cảm xúc, cảm giác lạc lõng trong cuộc sống; số khác tự tử vì giận cha mẹ, uất ức, tủi thân; một số vì lo lắng không đáp ứng được kỳ vọng của người khác, thậm chí có trường hợp trẻ tự tử chỉ vì muốn gây sự chú ý của người khác, để mọi người mãi nhớ đến mình.

“Ở độ tuổi vị thành niên, những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc thường làm cho trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh.

Trẻ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống. Trẻ học không tập trung, sa sút trong học tập là biểu hiện đầu tiên của rối loạn tâm lý dẫn đến trầm cảm. 

Đây cũng chính là nguyên nhân gây mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái. Vì bố mẹ rất kỳ vọng vào việc học của con. Con lơ đãng, không tập trung học, bố mẹ sẽ quy chụp cho rằng đang yêu đương nên không chú tâm học… 

Chính mâu thuẫn, xung đột này có thể là nguyên nhân khởi phát các chứng rối loạn tâm thần”, TS Nguyễn Thị Hương cho biết.

Thầy thuốc nhân dân, PGS, TS Phạm Đức Thịnh, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viên Tâm thần Trung ương I nêu thực trạng, một trong những rào cản khiến trẻ bị rối loạn tâm thần ngày càng tăng và mức độ nặng đó là tâm lý chủ quan của người thân đối với bệnh của trẻ, cho rằng đi khám sức khỏe tâm thần là điều tối kỵ, bởi nếu bạn bè, hàng xóm biết sẽ kỳ thị, coi là bị “điên”, hoặc “thần kinh” nên thường có xu hướng giấu bệnh hoặc không thừa nhận con mình có nguy cơ bị bệnh, đến khi đưa con vào viện khám thì bệnh đã nặng.

UNICEF Việt Nam đưa ra khuyến cáo, các vấn đề về sức khỏe tâm thần xảy ra khi còn nhỏ sẽ làm tốn nhiều chi phí ở tuổi trưởng thành. Nếu không được điều trị kịp thời, những vấn đề này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, thành tựu học tập và tiềm năng của các em. Trẻ bị rối loạn tâm thần phải đối mặt với những thách thức lớn do bị kỳ thị, cô lập và phân biệt đối xử.

Theo nghiên cứu của UNICEF Việt Nam, khoảng 8-29% trẻ em trong độ tuổi vị thành niên nước ta mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần nói chung. Ước tính có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên Việt Nam có các vấn đề về tâm lý.

Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.

 

Theo Dansinh.dantri.com.vn