vi-VNen-US
Chức năng nhiệm vụ
Cập nhật ngày: 10/04/2024

Cục Trẻ em là đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý và tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực trẻ em thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ theo quy định của pháp luật.

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

-----------

Số: 236/QĐ-LĐTBXH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------------

Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn

và cơ cấu tổ chức của Cục Trẻ em

 

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Cục Trẻ em là đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý và tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực trẻ em thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ theo quy định của pháp luật.

Cục Trẻ em có tên giao dịch quốc tế là Department of Children’s Affairs, viết tắt là DCA.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Nghiên cứu, xây dựng, trình Bộ:

a) Các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ; 

b) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn và hàng năm; chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình quốc gia, chương trình hành động quốc gia và dự án, đề án, công trình quan trọng quốc gia về trẻ em thuộc phạm vi quản lý của Bộ; 

c) Dự thảo thông tư và các văn bản khác về quản lý nhà nước trong lĩnh vực trẻ em thuộc phạm vi quản lý của Bộ; 

d) Hướng dẫn thực hiện việc phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; 

đ) Hướng dẫn xây dựng quy trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; 

e) Tham gia ý kiến bằng văn bản về những vấn đề liên quan đến trẻ em gửi ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và văn bản quy phạm pháp luật khác; đề xuất việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em khi xây dựng quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành, địa phương; 

g) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; chăm sóc sức khỏe tâm thần; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; bảo vệ chăm sóc trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh. 

2. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn xây dựng, thực hiện chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về trẻ em. 

3. Giúp Bộ quản lý Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. 

4. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về trẻ em theo quy định của pháp luật; xây dựng, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu lĩnh vực trẻ em. 

5. Giúp Bộ điều phối việc thực hiện quyền trẻ em. Giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ thường trực Ủy ban Quốc gia về trẻ em. 

6. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các chương trình, kế hoạch về trẻ em, Diễn đàn trẻ em, Tháng hành động vì trẻ em thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ. 

7. Là đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em. 

8. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức khác trong việc xây dựng kế hoạch, đánh giá thực hiện các công ước, điều ước quốc tế về trẻ em mà Việt Nam tham gia, phê chuẩn. 

9. Giúp Bộ quản lý các hội, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực trẻ em theo quy định của pháp luật. 

10. Chủ trì, hướng dẫn thực hiện kiểm tra; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, ngành và các tổ chức khác trong việc thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong việc thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật. 

11. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trẻ em; truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng và vận động xã hội thực hiện quyền trẻ em; chủ trì sơ kết, tổng kết, đánh giá, nhân rộng các phong trào, mô hình, điển hình tiên tiến trong lĩnh vực trẻ em. 

12. Thực hiện hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế; tham gia nghiên cứu khoa học về trẻ em; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên, người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em, người chăm sóc trẻ em theo phân công của Bộ. 

13. Giúp Bộ trưởng hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực trẻ em thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. 

14. Quản lý công chức, viên chức, người lao động; cơ sở vật chất, tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ. 

15. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức 

1. Cục Trẻ em có Cục trưởng và không quá 03 Phó Cục trưởng. 

2. Các phòng chức năng và đơn vị trực thuộc Cục: 

a) Phòng Bảo vệ trẻ em; 

b) Phòng Chăm sóc trẻ em; 

c) Phòng Phát triển và tham gia của trẻ em; 

d) Văn phòng; 

đ) Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (đơn vị sự nghiệp công lập). 

Điều 4. Cục trưởng Cục Trẻ em có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc và quan hệ công tác của Cục; quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng và văn phòng thuộc Cục; sắp xếp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho công chức, viên chức, người lao động trong Cục để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng, trình Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền thông. 

Điều 5. Cục Trẻ em có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật. 

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1126/QĐ-LĐTBXH ngày 13 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Trẻ em và Quyết định số 1198/QĐ-LĐTBXH ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Cục Trẻ em. 

Điều 7. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục Trẻ em và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

Nơi nhận:

- Như Điều 7; 

- Bộ trưởng, các Thứ trưởng; 

- Cổng TTĐT của Bộ; 

- Lưu: VT, TCCB. 

BỘ TRƯỞNG

 

(Đã ký)

 

Đào Ngọc Dung