vi-VNen-US
Xóa bỏ rào cản để bảo vệ trẻ bị xâm hại
Cập nhật ngày: 22/11/2023

Trước việc người dân e ngại không tố giác tội phạm xâm hại trẻ em, cảnh sát mở phòng điều tra thân thiện, thêm hình nộm đánh số bộ phận cơ thể để lấy lời khai.

Tại hội nghị sơ kết triển khai các quyết định của Thủ tướng về trẻ em ngày 16/11, thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, kể trước năm 2018, nhiều vụ xâm hại trẻ em tồn đọng kéo dài, có vụ nạn nhân mang thai, nhưng lực lượng chức năng khó xử lý do người dân không tố giác.

Sau Quyết định 1863 của Thủ tướng năm 2019, Bộ Công an bắt đầu phát triển mô hình phòng điều tra thân thiện với trẻ em, người chưa thành niên. "Khi chúng tôi đề cập đến biện pháp điều tra thân thiện, thậm chí có người cười nói các anh chị cứ vẽ vời cho phức tạp, cứ điều tra đúng pháp luật là được rồi", thượng tá Oanh kể.

Song với quan điểm khác, thượng tá Oanh cho rằng xử lý các vụ liên quan trẻ em thì áp dụng quy định pháp luật là chưa đủ, cần nhiều hơn kỹ năng mềm. Nếu mời các em bị xâm hại, làm chứng đến trụ sở cơ quan cảnh sát hỏi thông tin, lấy lời khai đều không sai luật, nhưng nạn nhân sẽ e ngại, không hợp tác.

Phòng điều tra thân thiện được thiết lập, dành cho nhóm trẻ bị xâm hại, người làm chứng, người vi phạm và phụ nữ bị mua bán, bạo lực gia đình. Phòng rộng ít nhất 18 m2, đặt ở nơi ít người qua lại, yên tĩnh, màu sắc hài hòa để khi nạn nhân bước vào thấy an tâm, giảm áp lực. Căn phòng có thêm các hình nộm mô phỏng cơ thể người có đánh số từng bộ phận, phục vụ lấy lời khai khi cần thiết.

Cục Cảnh sát hình sự tập huấn cho công an địa phương dùng kỹ năng phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, nhận thức cũng như mức độ tổn thương của trẻ em để khai thác thông tin, tránh gọi hỏi nhiều lần. Các cán bộ khi lấy thông tin không nhất thiết mặc cảnh phục, không ngồi đối diện, giải thích rõ ràng khi ghi âm, ghi hình.

"Trước đây, có điều tra viên nôn nóng muốn nhanh chóng xử lý sự việc mà quên đi yêu cầu giảm thiểu tổn thương cho nạn nhân, khiến tội phạm thì bắt được nhưng nạn nhân cũng bị tổn thương kép", ông Oanh nói. Mô hình phòng điều tra thân thiện khắc phục được tổn thương ban đầu cho nạn nhân, để họ và người thân thấy được tôn trọng, tin tưởng và có thể cung cấp thông tin và vẫn được bảo mật.

Theo thống kê, phần lớn thủ phạm xâm hại, bạo lực nằm ở nhóm thân quen nên nạn nhân thường giữ im lặng, gây khó khăn trong xử lý, bảo vệ trẻ em. TS Nguyễn Vân Anh, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kể vụ bé trai 7 tuổi bị xâm hại tình dục ở địa phương. Khi nhận tin báo, tỉnh chỉ đạo cấp cơ sở và trung tâm công tác xã hội tìm hiểu cặn kẽ. Người mẹ sau thời gian im lặng mới bật khóc cho biết kẻ xâm hại là người nước ngoài và anh trai 14 tuổi. Bà sợ nếu khai báo con trai sẽ vào tù.

Do cấp cơ sở lúng túng nên tỉnh phải tổ chức cuộc họp riêng về ca này để đưa ra biện pháp can thiệp. Lực lượng chức năng sau đó đưa bé trai 7 tuổi tới trung tâm công tác xã hội để chăm sóc riêng, tư vấn tâm lý lâu dài. Anh trai 14 tuổi và người mẹ được tách riêng để tìm hiểu thêm thông tin. Nạn nhân sau thời gian dài được hỗ trợ tâm lý đã rời trung tâm, người mẹ được giúp đỡ tìm công việc khác.

"Địa phương có đặc thù phát triển du lịch, 14 khu công nghiệp thu hút hàng nghìn lao động. Lực lượng phụ trách công tác trẻ em mỏng nên gặp rất nhiều khó khăn trong nắm bắt thông tin", bà Vân Anh cho hay, thêm rằng nhiều nạn nhân còn là trẻ em câm điếc nên rất khó khai thác thông tin.

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng tăng so với năm 2022. Trong quý I/2023, cả nước phát hiện 577 vụ xâm hại trẻ em với 752 đối tượng và 608 nạn nhân. 74% trong số này là xâm hại tình dục 427 nạn nhân trẻ em. Một số vụ gây hậu quả nghiêm trọng trong các cơ sở trông giữ trẻ ngoài công lập, chưa được cấp phép hoạt động.

Dự báo tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em chưa có xu hướng giảm do nhiều thách thức. Luồng di cư lao động ngày càng mạnh mẽ, cha mẹ không có thời gian chăm sóc con hoặc gửi cho ông bà ở quê khiến trẻ gặp nguy cơ cao. Công nghệ thông tin phát triển ngoài mang lại lợi ích cũng có tác động tiêu cực, như nội dung, hình ảnh độc hại, kích động bạo lực, tình dục; sử dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em.

Bộ Lao động đề nghị địa phương bố trí nhân lực, tăng ngân sách cho công tác này, đồng thời phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em như thí điểm mô hình văn phòng tư vấn hỗ trợ tâm lý trẻ em cấp huyện, cụm huyện. Bộ ngành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ trẻ em; người dân thông tin về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để sớm can thiệp, phòng ngừa sự việc.

Nguồn: VnExpress