vi-VNen-US
Sơ kết việc triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trẻ em
Cập nhật ngày: 22/11/2023

Ngày 16/11, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trẻ em.

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trẻ em bao gồm: Quyết định số 1437/QĐ-TTg, Quyết định số 1438/QĐ-TTg, Quyết định số 1863/QĐ-TTg, Quyết định số 588/QĐ-TTg, Quyết định số 55a/QĐ-TTg.

Tham dự hội nghị có hơn 160 đại biểu của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, hiệp hội, chuyên gia và đại diện của 45 tỉnh, thành phố. Có gần 30 tham luận, báo cáo được trình bày, trao đổi. Hội nghị diễn ra trong hai ngày, từ 16 đến 17/11.

                Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà (Ảnh: Hoa Lê).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: "Phát triển toàn diện con người bắt đầu từ phát triển toàn diện trẻ em, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em từ sớm, từ xa; gắn bảo đảm thực hiện quyền trẻ em với giải quyết kịp thời các vấn đề về trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các đề án, kế hoạch nhằm đáp ứng các yêu cầu về chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong giai đoạn phát triển và hội nhập mới của đất nước".

Cũng tại hội nghị, Phó trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam Lesley Miller, đánh giá cao sự cam kết lâu dài của Chính phủ Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em.

                              Phó trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam Lesley Miller (Ảnh: Hoa Lê)

Bà Lesley Miller nói: "Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các kế hoạch hành động cấp quốc gia minh chứng cho cam kết mạnh mẽ này".

Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em Nguyễn Thị Kim Hoa cho hay, trên 50% trẻ em, học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi.

Bên cạnh đó, khoảng 75% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên, tình nguyện viên được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em.

100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em; 75% cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện được tăng cường năng lực y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.

Đặc biệt, khoảng 40% cán bộ công an làm công tác điều tra các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em được nâng cao năng lực thực hiện hoạt động điều tra thân thiện với trẻ em; 60% các tỉnh, thành phố thành lập Phòng điều tra thân thiện với trẻ em.

                                     Các chuyên gia tham luận tại hội nghị (Ảnh: Hoa Lê).

Ông Nguyễn Hải Hữu, Chuyên gia tư vấn độc lập cho hay, công tác chỉ đạo hướng dẫn thực hiện ở các cấp, các ngành, từ Trung ương đến xã, phường khá đồng bộ và quyết liệt thể hiện ở khối lượng văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, kế hoạch thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện: tất cả các bộ ngành đều có văn bản hướng dẫn và kế hoạch thực hiện. Một số xã, phường có tới 10 văn bản trong 3 năm qua.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hải Hữu cũng nêu việc lồng ghép thực hiện quyết định 1863 với các chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tại hội nghị, báo cáo, tham luận của các tỉnh Quảng Ninh, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Yên Bái, Nghệ An, Cà Mau, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn đánh giá mức độ quan tâm, trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp được Thủ tướng giao trong các quyết định và trong các kế hoạch triển khai do các bộ, ngành, địa phương xây dựng, thông qua.

Các giải pháp của HĐND, UBND, cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp thực hiện các quyết định được tập trung thảo luận; đặc biệt việc ban hành các Nghị quyết của HĐND, quyết định, kế hoạch của UBND về phân bổ ngân sách địa phương, bố trí hợp lý nhân lực để triển khai công tác phát triển toàn diện trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em tại địa phương, cơ sở cần được phổ biến, nhân rộng.

Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về chương trình cấp quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thời gian qua, 4 ngành gồm: Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Y tế và Giáo dục và Đào tạo đã triển khai các văn bản hướng dẫn để triển khai quy định mang tính chất dịch vụ như xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường, quy định hướng dẫn, nhân rộng mô hình bố trí người làm công tác trẻ em cấp cơ sở…

Nhiều kiến nghị, giải pháp để đạt được mục tiêu, kết quả, hiệu quả của các đề án, kế hoạch, chương trình về trẻ em đến năm 2025 và 2030 cũng được các đại biểu đề xuất.

Sau hội nghị, các Bộ, ban, ngành và các địa phương tiếp tục áp dụng các kinh nghiệm, giải pháp, mô hình hiệu quả, phấn đấu đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: Dân trí