“Quốc hội trẻ em đã động chạm đến nhiều vấn đề cốt lõi”

Tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Hai, các đại biểu Quốc hội trẻ em đã chỉ ra rằng, bạo lực học đường, tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường hiện đáng báo động, diễn ra dưới nhiều hình thức, cần triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Hai chủ đề được lựa chọn cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội trẻ em 2024 là “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá và chất kích thích, đặc biệt trong môi trường học đường”. Hai chủ đề này do chính trẻ em lựa chọn, đề xuất, phản ánh mối quan tâm chung của dư luận xã hội và đặc biệt là của trẻ trong bối cảnh hiện nay.

Truy tìm nguyên nhân của bạo lực học đường

Bạo lực học đường đã diễn ra trong nhiều năm qua, ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trẻ em, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trẻ em Trần Bình Minh thừa nhận, bạo lực học đường là vấn đề cả xã hội đang bức xúc, cần tập trung giải quyết triệt để.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trẻ em chỉ ra bốn nguyên nhân căn bản. Thứ nhất, có những trường học chưa thực sự quan tâm đến vấn đề xây dựng môi trường văn hóa học đường, chưa thực sự sâu sát tới học sinh, chưa giải quyết kịp thời vấn đề phát sinh trong trường học, hướng dẫn học sinh xử lý tốt các mối quan hệ. Thứ hai, do điều kiện xã hội, vì cuộc sống mưu sinh, nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức, dẫn tới hành vi bạo lực của một số học sinh. Thứ ba, việc trẻ em tiếp cận sớm với không gian mạng khiến sự kiểm soát các hành vi bạo lực càng trở nên khó khăn. Thứ tư, nỗ lực của riêng ngành giáo dục rất khó đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu để giải quyết vấn đề này.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Quốc hội trẻ em tỉnh Quảng Trị Đỗ Khắc Gia Bảo cho rằng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trẻ em chưa phân tích đầy đủ nguyên nhân. “Còn một nguyên nhân rất quan trọng là do đặc điểm tâm sinh lý của học sinh chưa được hoàn thiện, dễ thay đổi và dễ chịu tác động của môi trường xung quanh. Hiện nay, chưa đánh giá đúng mức tác động của tâm sinh lý đến vấn đề bạo lực học đường”.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội trẻ em lần thứ Hai. Ảnh: Lâm Hiển

Sau Chỉ thị số 08 về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường ngày 1.6.2022, Chỉ thị số 02/CT-Tg về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, các bộ ngành liên quan đã triển khai giải pháp cụ thể gì? Trả lời câu hỏi chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trẻ em Trần Bình Minh cho biết, Bộ đã xây dựng và triển khai các nội dung trên và chỉ đạo triển khai đến từng cơ sở giáo dục, trọng tâm là xây dựng văn hóa học đường, mô hình trường học hạnh phúc…

Còn theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trẻ em Biện Nguyễn Khôi Nguyên, tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) chính là nơi ghi nhận những ý kiến của trẻ em, từ đó, giúp phát hiện sớm nguy cơ dẫn tới bạo lực học đường và có biện pháp phối hợp ngăn chặn phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trẻ em Nguyễn Thủy Tiên thông tin, Chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, trong đó có nội dung văn hóa học đường. Cùng với sự tham gia tích cực của các cấp, bộ, ngành liên quan, đây sẽ là giải pháp tích cực góp phần đẩy lùi bạo lực học đường.

Cần nghiêm cấm thuốc lá và chất kích thích

Chất vấn về chủ đề phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhiều đại biểu Quốc hội trẻ em phản ánh tình hình học sinh sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng; lo ngại những sản phẩm thuốc lá phối trộn đang hướng vào giới trẻ; yêu cầu công bố chính thức về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… Không chỉ tìm hiểu về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng như các chất kích thích, chất gây nghiện, các đại biểu còn đề xuất ra nhiều giải pháp, mong muốn các bộ, ngành tập trung triển khai…

Bộ trưởng Bộ Y tế trẻ em Nguyễn Ngọc Mai An đề xuất các bộ như Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Công an, Thông tin và Truyền thông trẻ em cần tích cực phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học đường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Việc thông tin, tuyên truyền cho trẻ em phải bằng các phương thức thích hợp với độ tuổi như làm videoclip hoạt hình, tranh vẽ để đạt được hiệu quả cao hơn…

Tán thành đề xuất cấm nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng của Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an trẻ em Trần Tử Quang cho biết Bộ sẽ tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ. Đối với mặt hàng thuốc lá thế hệ mới, chủ động nghiên cứu, xây dựng dự án phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, chất kích thích trong môi trường học đường.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trẻ em tỉnh An Giang Đặng Minh Quân về giải pháp ngăn chặn tình trạng quảng cáo thuốc lá điện tử tràn lan trên mạng xã hội với nội dung, hình ảnh hấp dẫn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trẻ em Trần Lê Hà Vy cho biết, Bộ sẽ tăng cường rà soát, đề nghị các mạng xã hội gỡ bỏ quảng cáo về thuốc lá điện tử, ngăn ngừa sự tiếp cận đối với trẻ em; xây dựng các sản phẩm có nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là trẻ em và phụ huynh về tác hại của thuốc lá điện tử…”

Trước tranh luận của đại biểu Quốc hội trẻ em tỉnh Kon Tum Trần Quốc Huy, rằng “Bộ Y tế trẻ em mới nói về giải pháp cho các ngành mà chưa nêu rõ giải pháp cụ thể của Bộ Y tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế trẻ em Nguyễn Ngọc Mai An cho biết thêm: “Để ngăn chặn tình trạng trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ chủ trì, tham mưu Chính phủ rà soát, nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào năm 2025, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng”.

“Phần chất vấn giả định nhưng vấn đề có thật”. Nhận định như vậy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ấn tượng về sự nghiên cứu, tìm hiểu và nhận thức của các đại biểu Quốc hội trẻ em. “Tôi đánh giá cao ý kiến của người hỏi và chia sẻ với người trả lời. Với tư cách là người trong cuộc và người quan tâm tới các thông tin xã hội, các em đã bày tỏ thái độ. Chúng ta phải cùng nhau thống nhất, khẳng định dứt khoát rằng, trường học hạnh phúc không có chỗ cho bạo lực, không để xảy ra những nguy cơ do tác hại của thuốc lá, chất kích thích. Quốc hội trẻ em đã động chạm đến nhiều vấn đề cốt lõi”.