Sở Lao động – Thương binh và Xã hội vừa phối hợp với các trường học trong tỉnh tổ chức đợt truyền thông về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó chú trọng hướng dẫn học sinh thực hành các kỹ năng tự bảo vệ bản thân, hỗ trợ can thiệp đối với các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tại gia đình, trường học và các cơ sở giáo dục.
Trong 2 buổi truyền thông tại Trường Tiểu học và THCS Nguyệt Đức (thị xã Thuận Thành), gần 2.000 học sinh được nghe chuyên gia của Viện Khoa học an toàn Việt Nam phổ biến những nội dung cơ bản về quyền trẻ em, những kiến thức, kỹ năng để phòng chống bạo lực, xâm hại, bảo vệ bản thân, phát hiện người xấu để các em chủ động phòng ngừa nếu không may gặp phải.
Báo cáo viên của Viện Khoa học an toàn Việt Nam trao đổi với học sinh về vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại
Các em học sinh được hướng dẫn kỹ năng cơ bản để thoát hiểm, tìm kiếm sự giúp đỡ trong trường hợp gặp phải kẻ xấu.
Với cách truyền đạt lồng ghép tình huống, câu chuyện thực tế diễn ra hàng ngày, các em học sinh và giáo viên hiểu rõ hơn về thực trạng bạo lực, xâm hại trẻ em hiện nay; những điều mình nên làm khi giao tiếp với người xung quanh; phân biệt được đâu là hành vi xâm hại trẻ em; sự khác biệt giữa giới tính nam và giới tính nữ; những vùng nhạy cảm trên cơ thể mà không thể cho người khác tùy tiện đụng chạm vào… Buổi truyền thông cũng cung cấp cho trẻ một số kỹ năng thoát hiểm trong tình huống không may rơi vào nguy hiểm để tự bảo vệ bản thân, kêu gọi sự giúp đỡ cần thiết. Việc tạo tâm lý thoải mái, cởi mở giúp các em dễ dàng chia sẻ suy nghĩ, tâm tư và thẳng thắn phát biểu ý kiến về vấn đề này. Em Nguyễn Thị Hiền, học sinh Trường THCS Nguyệt Đức cho biết: “Đối tượng xâm hại trẻ em có thể là người lạ nhưng cũng có thể là người quen thân thiết trong gia đình như chú, bác, anh em, hàng xóm… vì thế chúng em phải luôn cảnh giác. Em mong rằng, mỗi bạn học sinh sẽ tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, từ đó chủ động bảo vệ mình trước những nguy cơ xấu có thể xảy ra”. Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện hầu hết các trường học trong tỉnh đều tổ chức thường xuyên các hoạt động tuyên truyền đạo đức, lối sống, kỹ năng sống lồng ghép vào các môn học có liên quan và giờ ngoại khóa. Nội dung rất đa dạng, trong đó có tư vấn tâm lý lứa tuổi, sức khỏe sinh sản vị thành niên, biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em… Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều phối hợp với Sở LĐ – TB&XH tổ chức các đợt truyền thông chuyên đề về phòng chống bạo lực, xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích; rà soát tiêu chuẩn trường học bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện với trẻ em. Ngành Giáo dục cũng xây dựng, phát triển các mô hình tham vấn bảo vệ trẻ em trong trường học, thiết lập cơ chế để học sinh báo cáo khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi xâm hại trẻ em, từ đó phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, kịp thời điều tra, xử lý và bảo vệ trẻ em. Bà Phạm Thị Hồng Quyên, Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Các hoạt động truyền thông hướng tới cung cấp những thông tin, kỹ năng hữu ích giúp học sinh tự tin hơn, chủ động nhận diện và có những ứng xử khéo léo, hợp lý khi bắt gặp kẻ xấu trong cuộc sống hàng ngày. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo, phụ huynh một lần nữa nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc tăng cường sự phối hợp với các cơ quan chức năng phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường học đường lành mạnh”. Các em học sinh cần nhận thức rõ không cần người khác có hành động đụng chạm, xâm phạm vào cơ thể mới được cho là quấy rối tình dục. Hành vi quấy rối tình dục có thể là ánh mắt nhìn chằm chằm vào những chỗ nhạy cảm hoặc có lời nói, thái độ khiếm nhã, khiêu khích, kích động tình dục… Đây là những trường hợp các em hay gặp phải nhất trong quá trình học tập, vui chơi, sinh hoạt tập thể hoặc ở nhà một mình. Các em nên chủ động tránh xa những người có hành vi trên và kịp thời tâm sự với thầy cô giáo mình tin tưởng, phụ huynh để có biện pháp, giải pháp phù hợp với những người này. Tuyệt đối không nên cam chịu, im lặng để hành vi trên liên tục tái diễn sẽ gây hậu quả khó lường cho bản thân và xã hội. Riêng với bạo lực học đường, khi phát hiện, các em có thể có hành động can ngăn trong khả năng của mình. Nếu trường hợp và hoàn cảnh không cho phép các em vào can ngăn thì phải thông báo ngay cho thầy cô giáo, nhà trường, phụ huynh để giải quyết kịp thời, không để tình trạng bạo lực tiếp tục gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người bị hại… Trước diễn biến phức tạp của vấn nạn bạo lực, xâm hại trẻ em hiện nay đòi hỏi cả cộng đồng xã hội phải cùng chung tay vào cuộc. Hơn tất cả, lá chắn bảo vệ vững vàng nhất với các em vẫn là kiến thức, kỹ năng để có thể tự nhận biết nguy cơ mất an toàn, kịp thời phòng tránh và bảo vệ bản thân. Mỗi bậc phụ huynh và những người lớn xung quanh cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vượt qua sự e dè để cùng trao đổi vấn đề này với con em mình một cách thẳng thắn, đồng thời sẵn sàng lên tiếng khi phát hiện những hành vi tội ác. Hãy hành động ngay hôm nay để mọi trẻ em đều được bảo vệ kịp thời.
Nguồn : baobacninh.vn