Mua bán người núp bóng đẻ thuê, nhận con nuôi

Hiện nhiều tội phạm lợi dụng hoạt động nhận nuôi con nuôi để mua bán người. Thậm chí, thực tế đã có những đường dây mua bán bào thai bằng thỏa thuận đẻ thuê.

Mua bán trẻ khi còn là bào thai

Các vấn đề trên được trao đổi tại hội thảo góp ý dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức ngày 9/4.

Tại đây, luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ – pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, góp ý về 11 nội dung. Trong đó, bà nhấn mạnh đến việc phải bổ sung quy định để nhận diện rõ loại tội phạm lợi dụng hoạt động nhận con nuôi để mua bán người.

Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị bổ sung thêm tội danh lợi dụng hoạt động nhận con nuôi để phạm tội vào điều 3 của dự thảo. Theo bà, luật pháp quốc tế rất chú ý đến việc lợi dụng hoạt động nhận nuôi con nuôi để phạm tội. Thực tế tại Việt Nam còn nhiều hành vi biến tướng như mua bán bào thai bằng hoạt động đẻ thuê…

Đồng thời, luật sư Trương Thị Hòa đề nghị phải bổ sung vào dự thảo quy định trách nhiệm tuyên truyền của các đơn vị về loại tội phạm mua bán người, từ các dấu hiệu nhận biết cho đến hành vi, mức án… để người dân biết mà cảnh giác, tội phạm biết mà răn đe.

Về nhận thức phòng ngừa tội phạm, luật sư Trương Thị Hòa dẫn phân tích từ vụ án hai bé gái mất tích trên phố đi bộ Nguyễn Huệ vào ngày 6/4 vừa qua. Theo bà, người dân đã có ý thức nhận ra nguy cơ hai đứa trẻ bị bắt cóc ngay khi phát hiện các cháu mất tích, kịp thời trình báo để cơ quan công an vào cuộc điều tra và ngăn chặn được một vụ mua bán người có khả năng xảy ra.

Hai bé gái mất tích nhanh chóng được tìm thấy, thể hiện tinh thần cảnh giác cao độ của người dân và trách nhiệm của cơ quan điều tra ( ảnh An huy).

   Ông Trần Nhật Quang, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM) cho biết, TPHCM là địa bàn trung chuyển của hoạt động mua bán người, nhiều tội phạm đưa nạn nhân quá cảnh qua thành phố và bị phát hiện.

Từ năm 2011 đến nay, Sở LĐ-TB-XH TPHCM đã tiếp nhận hỗ trợ cho 25 nạn nhân bị mua bán, tiến hành các thủ tục xác minh, tư vấn tâm lý, cung cấp đầy đủ các gói dịch vụ hỗ trợ  nạn nhân. Do đó, ông nhận định, nội dung quy định về việc hỗ trợ nạn nhân trong điều 44 dự thảo luật vẫn còn bất cập.

Cụ thể, điều 44 có quy định nạn nhân được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Trường hợp nạn nhân không ở đây thì được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian 90 ngày.

Theo ông Quang, hỗ trợ ổn định tâm lý là rất cần thiết để nạn nhân an tâm, hợp tác cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên, dự thảo luật cần làm rõ trong trường hợp nạn nhân không lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội thì ai là người thực hiện việc tư vấn tâm lý, tiếp nhận nạn nhân ở đâu, kinh phí để thực hiện cơ quan nào chi trả…

Người tự nguyện bán nội tạng có phải là nạn nhân?

Phát biểu tại hội thảo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM, góp ý về việc làm rõ khái niệm nạn nhân trong các vụ án mua bán người quy định tại Điều 2.

Thứ nhất, có những trường hợp phụ nữ bị bán ra nước ngoài, khi được phát hiện và giải cứu thì họ đã có con. Hiện người con của người bị mua bán này chưa được xác định là nạn nhân.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, nếu luật xác định con của người bị mua bán cũng là nạn nhân thì được chính sách hỗ trợ về tâm lý, giấy tờ, tái hòa nhập… Nếu xác định người con đó không phải là nạn nhân thì những đứa trẻ không được hưởng chế độ hỗ trợ. Do đó, ông đề nghị nghiên cứu bổ sung trường hợp này.

Thứ hai, Thượng tá Lê Mạnh Hà đề nghị xem xét lại việc xác định người tự nguyện bán nội tạng để lấy tiền, không vì mục đích nhân đạo là nạn nhân. Ông nói: “Họ tự nguyện bán để lấy tiền mà xác định họ là nạn nhân trong vụ án mua bán nội tạng và hưởng chính sách hỗ trợ thì có gì đó chưa thuyết phục, đề nghị nghiên cứu thêm”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, đồng ý với ý kiến xác định đối tượng con của phụ nữ bị mua bán là nạn nhân mua bán người Thượng tá Lê Mạnh Hà đề cập.

Bà Thanh Loan cho biết hệ thống nhà Bình Yên của Hội Phụ nữ từng tiếp nhận nhiều hoàn cảnh phụ nữ bị bán ra nước ngoài được giải cứu. Thực tế thường là người mẹ được giải cứu nhưng con chưa được đưa về vì chưa có chính sách hỗ trợ.

Theo bà, luật chưa có quy định về quyền của đứa trẻ được sinh ra ở nước ngoài trong quá trình người mẹ bị mua bán, cần bổ sung vào luật để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con nhỏ của họ.

Luật sư Trương Thị Hòa cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung các điều khoản theo nguyên tắc bảo vệ nạn nhân, người nhà nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân… Theo bà, đây là nguyên tắc rất quan trọng để phát huy hiệu quả của hoạt động phòng chống mua bán người mà quốc tế quan tâm.

        Ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM ( ảnh Tùng Nguyên)

Kết luận, ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, cho biết hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến của 10 đại biểu đóng góp trực tiếp tại hội trường. Các góp ý của đại biểu sẽ được tổng hợp báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như gửi đến cơ quan soạn thảo luật nghiên cứu, hoàn thiện thêm.

Nguồn : dantri.com.vn