Gieo cho con lòng biết ơn và tình yêu cuộc sống

Theo TS. Phan Hồ Điệp, ngoài những điều liên quan đến kiến thức, kỹ năng, hơn hết, cha mẹ cần quan tâm và hướng con đến cách sống tử tế. Lòng nhân ái và sự biết ơn chính là hành trang quý giá để trẻ bước vào đời.

Giáo dục con lòng biết ơn và giá trị yêu thương

TS Phan Hồ Điệp, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là người truyền cảm hứng về quá trình nuôi dạy con cho rất nhiều phụ huynh.

Theo chia sẻ của TS Phan Hồ Điệp, hồi con trai (Đỗ Nhật Nam) còn nhỏ, chị luôn quan tâm giáo dục con lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô giáo, người thân và những người xung quanh. Để điều đó trở thành thói quen cho con, hằng tuần vào ngày thứ sáu, chị khuyến khích con viết những điều mình biết ơn và đặt vào Hộp biết ơn.

TS. Phan Hồ Điệp (bìa phải) chia sẻ về giáo dục trí tuệ cảm xúc tại Hội thảo “Ngày văn hóa gia đình” 2024.

“Mỗi ngày, tôi đều hỏi con 3 điều khiến con biết ơn nhất trong ngày là gì? Đơn giản có thể câu trả lời là mẹ nấu cho con một bữa ăn ngon, bạn đã cho Nam mượn cuốn sách hay… Từ những việc rất nhỏ, nhưng tôi tin rằng có tác dụng giúp con nhìn cuộc đời thánh thiện, trong trẻo hơn và đầy yêu thương” – TS Phan Hồ Điệp chia sẻ.

Dạy con lòng nhân ái và biết ơn cũng đồng nghĩa với việc dạy con sống có trách nhiệm. Chị Điệp chia sẻ rằng, ngày còn bé con trai chị hay vô tâm với mẹ. Chẳng hạn như khi đi siêu thị, chị nhờ con xách túi, lúc đầu Nam đồng ý, nhưng sau mải chơi lại quên.

Chị không cáu gắt với con khi đó mà nhẹ nhàng dạy con về lòng biết ơn. Trong 10 ngày đầu tiên dạy con thực hành lòng biết ơn, chị làm 20 tấm thẻ, trên đó có hình vẽ và ghi tên những điều về sự tử tế mà con có thể làm và đặt các tấm thẻ trong chiếc lọ. Con sẽ chọn tấm thẻ và thực hiện công việc đó. Khi nào đủ 10 thẻ thì được thưởng.

“Những việc tôi giao từng ngày cho con thực hiện như: Vẽ trang trí một tấm thiệp để tặng ông bà, cùng mẹ làm bánh quy và chia cho bạn hàng xóm, chia sẻ đồ chơi của mình với bạn, nhặt rác cho vào thùng… Đến ngày thứ 10 là thử thách: xách túi cho mẹ khi đi siêu thị. Thật ngạc nhiên là khi mẹ chưa kịp nhờ, Nam đã nhanh nhảu cầm túi rau củ quả đi trước.

Mãi mãi, mình không quên được hình ảnh con trai bé bỏng kéo lệt xệt cái túi rau củ, thi thoảng quay lại nhìn mẹ mỉm cười. Khi ấy, mình tin chắc, sẽ đến lúc nào đó con thực hiện lòng biết ơn mà không cần những tấm thẻ, không vì để vượt qua thử thách mà chỉ vì tấm lòng yêu thương của chính con thôi” – chị Điệp xúc động nói.

Cha mẹ hãy dạy con lòng biết ơn ngay từ khi còn nhỏ ( hình ảnh minh họa).

Lòng biết ơn là một trong những yếu tố quyết định nhân cách của con người. Chính vì vậy, dạy con lòng biết ơn ngay từ khi còn nhỏ là điều các bậc cha mẹ nên làm. Việc dạy con lòng biết ơn mang đến cho trẻ cuộc sống hòa đồng, vui vẻ, đạt được thành tích cao trong học tập. Đồng thời, nuôi dưỡng lòng biết ơn cũng giúp trẻ hình thành nhân cách tốt khi trưởng thành, biết ứng xử văn minh và sống có tình nghĩa. Nuôi dạy một em bé biết ơn nghĩa là bạn đang nuôi dạy một em bé hạnh phúc.

Biết ơn là hành động trân trọng, coi những thứ xung quanh như một món quà. Nếu trẻ sống với lòng biết ơn thì trẻ sẽ có thể dễ dàng vượt qua được những chông gai trong cuộc sống. Trong nhiều tình huống khó khăn, thái độ biết ơn sẽ giúp con người tiếp tục sống với niềm hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến, từ đó cố gắng với thái độ tích cực, lạc quan.

Phát triển EQ trẻ sẽ biết sống đồng cảm và biết ơn 

Theo chuyên gia giáo dục Phan Hồ Điệp, trẻ em khi được phát triển trí thông minh cảm xúc (EQ) sẽ đạt được nhiều thành công trong học tập và công việc, cũng như cảm nhận được hạnh phúc. Trí tuệ cảm xúc sẽ dẫn dắt trẻ biết quản lý cảm xúc, giảm đi các hành vi không đúng, biết cách ra quyết định, đặc biệt là biết sống với sự đồng cảm, lòng biết ơn và trái tim trắc ẩn.

Trí thông minh cảm xúc được đánh thức từ sớm sẽ giúp trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc một cách vượt trội. Trẻ sẽ biết điều tiết và thể hiện cảm xúc vui, buồn, sợ hãi, giận dữ,… đúng nơi, đúng mực, từ đó hiểu và thực hành một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.

Môi trường gia đình rất quan trọng trong việc giáo dục cảm xúc cho trẻ. Cha mẹ hãy bắt đầu giáo dục cảm xúc cho con từ việc tạo một môi trường chất lượng với trọn vẹn yêu thương, để con cảm thấy bên cạnh cha mẹ là hạnh phúc. Cha mẹ hãy gieo cho con những thứ như sự tử tế, lòng biết ơn, tình yêu với cuộc đời. Khi được nuôi dạy và sống trong hạnh phúc, chắc chắn trẻ sẽ ngày càng trở nên giàu có tình cảm và lan tỏa những năng lượng yêu thương.

“Để dạy con hiệu quả, trước tiên các bậc cha mẹ phải thay đổi, phải sửa mình, phải làm gương cho con chứ không phải bắt con sống theo ý mình. Cha mẹ nào cũng mong muốn nuôi dạy con khi lớn lên sẽ trở thành người tử tế. Nhưng tôi cho rằng, thành công không phải giáo dục một đứa trẻ trở thành người giỏi nhất hay xuất sắc nhất, mà đích đến cuối cùng là khiến đứa trẻ ấy trở nên hạnh phúc” – TS Phan Hồ Điệp chia sẻ.

Theo: Hồng Nga – ấn phẩm Vì trẻ em/ dansinh.dantri.com.vn