“Uống nước nhớ nguồn” không chỉ là biết nói lời cảm ơn khi được ai đó giúp đỡ, biết ghi nhớ công nuôi dạy, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, mà còn là biết ơn thế hệ cha ông đã hy sinh một phần xương máu, thậm chí là cuộc sống của mình để giành độc lập và tự do cho thế hệ chúng ta ngày hôm nay.
Dạy con “uống nước nhớ nguồn” và biết ơn thế hệ trước là một phần quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước và lòng biết ơn.
Không ít bậc cha mẹ thời nay vì mải kiếm tiền và chỉ chú tâm đầu tư cho con học các môn khoa học, ngoại ngữ mà đôi khi lơ là việc giáo dục trẻ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”.
Cha mẹ quan tâm, chú trọng dạy con đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ giúp trẻ hiểu rõ về lịch sử, về giá trị của độc lập, tự do mà còn hình thành nhân cách tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc.
Học sinh viếng tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng.
Nghỉ hè, Linh Hương và Thùy Dương (ở Bắc Ninh) được bố mẹ cho về quê ngoại chơi. Một hôm, thấy ông ngoại chuẩn bị đồ đi du lịch, hai cô bé liền hỏi: “Ông đi đâu đấy, sao không ở nhà chơi với chúng cháu?”.
Người ông hơn 70 tuổi trả lời cháu rằng ông đi thăm lại chiến trường xưa với các đồng đội cũ. Đoàn cựu chiến binh của ông sẽ đi dọc theo đường Hồ Chí Minh để cùng ôn lại kỷ niệm năm xưa.
Và rồi, người cựu chiến binh kể cho hai cháu ngoại nghe về những kỷ niệm thời tuổi trẻ của mình. Ông kể, mình đã từng đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng vì khi đó chiến tranh ác liệt nên đã gác lại việc học và làm đơn tình nguyện nhập ngũ.
Do quá gầy, lo không đủ cân nặng để được đi bộ đội, ông đã nhét hai viên đá to vào túi quần cho đủ cân. 18 tuổi, ông lên đường làm chiến sĩ thông tin, cùng đồng đội hành quân tiến vào Sài Gòn để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nghe ông ngoại kể chuyện, Linh Hương và Thùy Dương rất ngạc nhiên, không thể tin là một kế toán thuế như ông ngoại lại từng mơ ước được làm thầy giáo, nhưng vì chiến tranh mà gác lại ước mơ riêng để chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.
Hai cô bé cũng vô cùng tự hào khi ông là một trong những chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, làm nên chiến thắng vẻ vang.
Cứ thế, theo mạch cảm xúc, người ông kể cho các cháu về những trận đánh mình từng tham gia, những vùng đất phía Nam lần đầu tiên chàng thanh niên đất Bắc đặt chân, những lần chết hụt, những lần chứng kiến đồng đội ra đi…
Có thể nói, chưa khi nào hai cô bé được học về lịch sử Việt Nam sống động như khi nghe những câu chuyện của ông ngoại. Nhiều khi, chúng ta cứ nghĩ là những đứa trẻ thế hệ Alpha chỉ biết ôm iPad, điện thoại để lướt TikTok và Facebook, nhưng kỳ thực vẫn luôn có một tình yêu quê hương, đất nước chảy trong huyết quản trẻ. Vấn đề đặt ra là có ai khơi dậy, phát triển tình yêu đó không mà thôi.
Để dạy trẻ điều này, cha mẹ có thể tham khảo những cách như:
Kể chuyện lịch sử
Mặc dù Lịch sử là môn học bắt buộc ở tất cả các cấp học, tuy nhiên, việc cha mẹ kể cho con nghe các câu chuyện lịch sử nổi tiếng hoặc các câu chuyện lịch sử có liên quan đến người thân trong gia đình sẽ là bài học trẻ dễ ngấm nhất.
Để câu chuyện thêm sinh động, cha mẹ có thể sử dụng các cuốn sách lịch sử, tranh ảnh, phim tài liệu, phim điện ảnh chủ đề lịch sử…
Học sinh tích cực dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ.
Tham quan các di tích lịch sử
Trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam đều là các di tích lịch sử như Di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Khu di tích Pác Bó (Cao Bằng), Địa đạo Củ Chi (TP HCM)…
Cha mẹ hãy đưa trẻ tới các địa danh này để trẻ tự mình khám phá các giai đoạn lịch sử của đất nước, từ đó tự đúc kết ra các bài học cho bản thân.
Ngoài ra, các bảo tàng lịch sử, bảo tàng chiến tranh, bảo tàng quân sự, bảo tàng địa phương… cũng là những nơi rất thích hợp để trẻ tìm hiểu về lịch sử, cội nguồn dân tộc.
Tham gia các buổi lễ kỷ niệm
Cha mẹ có thể cùng con tham gia các buổi lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh, Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Ngày Giải phóng miền Nam,… hoặc các sự kiện tưởng niệm tại địa phương để trẻ tìm hiểu về truyền thống lịch sử quê nhà và bồi đắp thêm tình yêu Tổ quốc.
Tôn trọng và biết ơn trong gia đình
Trẻ em cần được dạy cách tôn trọng và biết ơn ông bà, cha mẹ, những người đã chăm sóc và nuôi dưỡng mình. Hãy giải thích cho con hiểu tại sao việc biết ơn và tôn trọng thế hệ trước là quan trọng.
Tôn trọng và học hỏi người cao tuổi
Cha mẹ cần dạy con tôn trọng và lắng nghe người cao tuổi, đặc biệt là những người đã từng tham gia kháng chiến. Có thể mời ông bà hoặc những người lớn tuổi trong gia đình kể lại những câu chuyện trong quá khứ, về những khó khăn và hy sinh mà họ đã trải qua.
Tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Cha mẹ nên cùng con tham gia các hoạt động từ thiện, thăm hỏi các gia đình liệt sĩ, thương binh và những người có công với đất nước. Ngoài ra, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tham gia các buổi lao động công ích như vệ sinh khu vực công cộng, tu sửa các công trình tưởng niệm…
Khuyến khích con đọc sách
Cha mẹ có thể mua các sách lịch sử, truyện tranh lịch sử phù hợp với lứa tuổi của trẻ để khuyến khích con đọc và tìm hiểu thêm.
Tham gia các cuộc thi và hoạt động lịch sử
Ngoài sách vở, cha mẹ cũng có thể giới thiệu cho trẻ các chương trình, gameshow về lịch sử văn hóa, di sản, khảo cổ học hay các bộ phim lịch sử/ đã sử được chiếu trên truyền hình và mạng xã hội.
Cha mẹ nên khuyến khích con tham gia các cuộc thi viết, vẽ, STEM, hùng biện… về đề tài lịch sử hoặc các hoạt động ngoại khóa liên quan đến lịch sử.
Làm gương cho con
Một điều mà không bậc cha mẹ nào được phép quên, đó là muốn dạy con bất cứ điều gì thì cha mẹ phải là người làm gương.
Cha mẹ hãy là tấm gương sáng trong việc thể hiện lòng biết ơn và tôn trọng thế hệ trước. Những hành động nhỏ như thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ, thăm viếng mộ phần ông bà cũng là cách dạy con về lòng biết ơn, biết “uống nước nhớ nguồn”.
Theo: Bình Yên- Ấn phẩm số 13/dansinh.dantri.com.vn