Năm học mới đang đến gần, cùng với những háo hức, phấn khởi, nhiều trẻ cũng rất lo lắng, đặc biệt là những học sinh đầu cấp.
Để giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập, học tốt ở trường, cha mẹ có thể tham khảo những chia sẻ của Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A về cách chuẩn bị hành trang cho con bước vào năm học mới.
PV: Chị có thể gửi tới các bậc phụ huynh những lời khuyên về việc chuẩn bị hành trang như thế nào để con trẻ tự tin bước vào năm học mới?
– Để chuẩn bị tốt nhất cho con trước khi bước vào năm học mới, đặc biệt là các em ở lớp đầu cấp, phụ huynh nên chú trọng đến việc tạo ra một môi trường tâm lý thoải mái. Bố mẹ trò chuyện cùng con về những điều thú vị tại trường học sẽ giúp trẻ cảm thấy hào hứng, không còn lo lắng. Chẳng hạn, cha mẹ hãy kể cho con nghe về những hoạt động thú vị như các buổi dã ngoại, lớp học thủ công hay những buổi học thể thao… Bên cạnh đó, việc đảm bảo con được ngủ đủ giấc và chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cũng rất quan trọng, giúp trẻ có đủ năng lượng và sức khỏe để học tập và vui chơi. Nếu có thể, cha mẹ hãy đưa trẻ đến trường mới để con giảm cảm giác xa lạ với không gian, từ đó hình thành sự tự tin và giúp trẻ thích nghi với môi trường mới. Hãy cùng con tham gia các hoạt động thể thao đơn giản như đi bộ, đạp xe để con cảm thấy mạnh mẽ và tự tin hơn.
Để con tự tin, hào hứng đến trường, yêu thích việc học tập thì phụ huynh nên làm gì, thưa chị?
– Cha mẹ cần lưu ý đến nhu cầu của con, cá tính của con từ đó có những cách khích lệ và động viên phù hợp. Khi con hoàn thành tốt một bài tập hoặc đạt được một thành tựu, dù nhỏ, hãy khen ngợi và biểu dương, giúp con nhận thấy thành quả này từ việc chính trẻ đang chinh phục những mong muốn, mục tiêu của riêng mình. Việc tạo ra một góc học tập yên tĩnh, thoáng mát và đầy đủ ánh sáng cũng giúp trẻ tập trung hơn vào việc học. Cha mẹ cũng nên là tấm gương sáng cho con bằng cách đọc sách, học hỏi kiến thức mới cùng. Ví dụ, cha mẹ có thể cùng con đọc một câu chuyện mỗi tối và thảo luận về những bài học từ câu chuyện đó. Kết hợp học và chơi cũng là một cách hiệu quả để con cảm thấy hứng thú với việc học, như thông qua các trò chơi giáo dục, sách tranh hay các hoạt động ngoài trời.
TS. Tâm lý Tô Nhi A phát biểu tại một hội nghị về giáo dục.
Với những trẻ nhút nhát thì phụ huynh nên đồng hành cùng con ra sao để trẻ nhanh chóng hòa đồng, kết bạn tại trường mới?
– Với những trẻ vốn hơi nhút nhát, việc xây dựng lòng tự tin và kỹ năng giao tiếp là rất quan trọng. Cha mẹ nên khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ hoặc nhóm nhỏ bạn bè để con có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp và tự tin hơn. Ví dụ, nếu con thích vẽ, hãy tìm một câu lạc bộ vẽ tranh để con tham gia. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy giúp con học cách bắt chuyện, lắng nghe và chia sẻ với bạn bè bằng cách thực hành các tình huống giao tiếp hằng ngày. Cha mẹ tạo cơ hội cho con gặp gỡ và kết bạn thông qua các buổi vui chơi tại nhà hoặc ở công viên, khu vui chơi cũng là cách tốt để trẻ làm quen với bạn mới và môi trường xung quanh.
Cha mẹ nên lắng nghe và đồng cảm với những lo lắng, băn khoăn của con, giúp con giải quyết những vấn đề khó và khuyến khích con chia sẻ cảm xúc của mình. Nếu con gặp khó khăn trong việc hòa nhập ở trường, cha mẹ hãy liên hệ với giáo viên để theo dõi và hỗ trợ quá trình hòa nhập của con. Giáo viên có thể cung cấp những thông tin hữu ích và cùng cha mẹ tìm ra những giải pháp tốt nhất cho con. Bằng cách đó, phụ huynh có thể giúp con vượt qua sự nhút nhát và dần tự tin, hòa đồng tốt hơn với bạn bè.
Hiện nay, có không ít cha mẹ luôn tạo áp lực, tìm mọi cách để trẻ đạt điểm số, thành tích cao. Điều này khiến cho các con cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, không hạnh phúc. Quan điểm của chị về vấn đề này thế nào?
– Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, nước ta hiện có đến 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ 8,4% các em được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn. Đáng lo nhất là gần 60% trẻ em bậc tiểu học không hạnh phúc khi sống dưới áp lực “phải thành tài” của cha mẹ.
Cha mẹ luôn nghĩ rằng, con thành tài, thành công sẽ trở thành đứa trẻ hạnh phúc. Tuy nhiên, vì luôn phải chịu áp lực nên nhiều trẻ em dù thành tài cũng chưa chắc đã cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
Mong muốn, kỳ vọng con học giỏi, thành tài không sai, nhưng nếu không tìm hiểu suy nghĩ, ước mơ của con, vô tình cha mẹ lại tạo ra sự căng thẳng, mệt mỏi, lo âu cho trẻ, từ đó dẫn đến những tổn thương tinh thần.
Xin cảm ơn chị!
|
Theo:Hồng Nga – Ấn phẩm Vì trẻ em số 15/ dansinh.dantri.com.vn