“Alo, 111 phải không?”… Ngày 27/6/2023, Đường dây nóng Phòng chống mua bán người 111 đã tiếp nhận cuộc gọi của anh T.V.Đ (dân tộc Nùng) ở huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang về việc con gái là T.T.N sinh năm 2010 bị lừa xuống Hải Phòng từ ngày 16/6/2023 vào nhà nghỉ Linh Nga ở đảo Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng.
Sau 12 năm hoạt động, Đường dây nóng Phòng chống mua bán người 111 đã tiếp nhận hàng chục nghìn cuộc gọi đến, hỗ trợ các cơ quan chức năng giải cứu hàng trăm nạn nhân, kết nối với các tổ chức xã hội và chính quyền địa phương giúp các nạn nhân tiếp tục được học tập và tìm kiếm việc làm, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 chính thức khai trương ngày 6/12/2017. Nhưng trước đó, từ năm 2012, con số 111 đã là Đường dây nóng Phòng chống mua bán người với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Tháng 3/2022, dự án phối hợp với tổ chức JICA kết thúc, Cục Trẻ em
(Bộ LĐ-TB&XH) tiếp tục quản lý, vận hành Đường dây nóng Phòng chống mua bán người 111.
Tổng đài 111 – đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người.
Đường trở về của một trẻ em bị mua bán
Ngày 27/6/2023, Đường dây nóng Phòng chống mua bán người 111 đã tiếp nhận cuộc gọi của anh T.V.Đ (dân tộc Nùng) ở huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang về việc con gái là T.T.N sinh năm 2010 bị lừa xuống Hải Phòng từ ngày 16/6/2023 vào nhà nghỉ Linh Nga ở đảo Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng.
Ở đây, cháu N bị ép rót rượu cho khách, phục vụ khách ở quán hát; bị ép bán dâm và bị đe dọa nếu không làm thì sẽ bị dìm xuống nước. Gia đình mong muốn Đường dây nóng hỗ trợ để giải cứu cháu N.
Ngay khi nhận được thông tin, Đường dây nóng đã kết nối với Trung tâm Công tác xã hội Hải Phòng và Phòng Phòng chống mua bán người (Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đề nghị xác minh và hỗ trợ cháu N. Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an sử dụng các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ để điều tra xác minh và giải cứu cháu N an toàn, bàn giao cho gia đình đưa về Hà Giang.
Bố mẹ ly hôn nên cháu N ở với ông bà ngoại. Sau khi N trở về địa phương, Đường dây nóng đã kết nối với Phòng LĐ-TB&XH huyện Xín Mần đề nghị hỗ trợ. Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với cán bộ xã và nhà trường đến thăm hỏi, tặng quà và động viên cháu quay trở lại trường học; tuy nhiên, cháu không muốn đi học mà muốn đợi đủ tuổi sẽ đi học nghề tại địa phương. Cán bộ địa phương đã đánh giá tình trạng của cháu N và hỗ trợ tâm lý cho cháu. Hiện tại, tâm lý N ổn định, cháu được ông bà ngoại chăm sóc tốt.
Đó là một trong rất nhiều câu chuyện đau lòng về các bé gái đã bị lừa bán trong nước và được Đường dây nóng Phòng chống mua bán người giải cứu. N chỉ là 1 trong 87 nạn nhân bị mua bán trong năm 2023 đã được Đường dây nóng chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
Giải cứu, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập
Theo báo cáo của Cục Trẻ em, trong năm 2023, Đường dây nóng Phòng chống mua bán người 111 tiếp nhận 1.781 cuộc gọi, trong đó có 1.365 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của Đường dây nóng và phòng chống mua bán người, 337 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, 79 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ cho 87 nạn nhân của mua bán người.
Tuyên truyền cho người dân về phòng chống tội phạm mua bán người.
Trong 87 nạn nhân, có 23 nạn nhân bị mua bán ở trong nước (chiếm 26,4%) và 64 nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài (chiếm 74,6%), trong đó có 38 nạn nhân bị mua bán sang Campuchia, 16 nạn nhân bị mua bán sang Myanmar,
3 nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc, 3 nạn nhân bị mua bán sang Malaysia, 2 nạn nhân bị mua bán sang Philippines, 1 nạn nhân bị mua bán sang Nga, 1 nạn nhân bị mua bán sang Nigeria. So với năm 2022 và các năm trước thì năm 2023 các nạn nhân bị mua bán sang nhiều nước khác nhau chứ không chỉ tập trung ở Trung Quốc và Campuchia. Trong 87 nạn nhân này, có 23 nạn nhân là trẻ em (18 nạn nhân là trẻ em gái), 11 nạn nhân từ 16 đến 18 tuổi.
Theo bà Lê Thị Thảo, cán bộ tư vấn của Đường dây nóng Phòng chống mua bán người 111, để không bị lừa mua bán, trẻ em nên tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng trên các trang mạng. Trẻ cần hiểu với trình độ học vấn như hiện tại thì công việc đó có thực sự phù hợp với mình không, thu nhập như thế có hợp lý không…
Những trẻ không may bị bán khi gọi điện tới Đường dây nóng xin giúp đỡ, tùy vào mức độ khẩn cấp, nguy hiểm ít hay nhiều, nhân viên 111 sẽ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp. Nếu thời gian không có nhiều, cán bộ tư vấn sẽ ưu tiên hỏi các thông tin cần thiết như thông tin cá nhân, người giám hộ và vị trí trẻ đang bị giam giữ hoặc làm việc. Có nhiều thời gian hơn, nhân viên sẽ hỏi các em về mức độ an toàn như có bị giam giữ, đánh đập không, có bị giám sát không và cung cấp cho trẻ các kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, hạn chế thương tích; cách liên hệ với người nhà, tìm sự trợ giúp từ người xung quanh (nếu không được sử dụng điện thoại)…
Với trẻ bị bán ra nước ngoài, ngay khi tiếp nhận thông tin, 111 sẽ chuyển cho Phòng Cảnh sát hình sự các tỉnh, hoặc Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Bộ đội Biên phòng, ngành LĐ-TB&XH… và các tổ chức phi Chính phủ như Rồng Xanh (hỗ trợ người bị mua bán sang Trung Quốc), Hagar (hỗ trợ người bị mua bán sang Campuchia), Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) để giải cứu, hỗ trợ chỗ ở, chỗ tạm lánh cho các nạn nhân, đồng thời tư vấn tâm lý, kết nối giúp các nạn nhân được tiếp tục học tập hoặc tìm việc làm, ổn định cuộc sống.
Bà Lê Thị Thảo chia sẻ thêm, để phòng chống trẻ em bị kẻ xấu dụ dỗ “việc nhẹ lương cao” bán qua biên giới hoặc trong nước, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện, làm bạn với con để kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của trẻ. Từ đó, cha mẹ phân tích ưu và nhược điểm của công việc mà con muốn tham gia, giúp con tìm một công việc phù hợp với khả năng và trình độ. Đừng vì mải mê công việc để mặc con giao lưu, kết bạn với các đối tượng xấu trên mạng xã hội.
Trong trường hợp không may con bị mua bán, cha mẹ cần phối hợp với Đường dây nóng và các cơ quan chức năng để giải cứu trẻ. Không nên nóng vội giao nộp tiền chuộc cho các tổ chức buôn người vì có thể ngay sau khi nhận được tiền, chúng sẽ chuyển trẻ tới một địa điểm mới và tiếp tục bóc lột sức lao động trẻ. Người dân hãy tin tưởng vào các cơ quan chức năng, thông tin cung cấp sẽ được bảo mật và việc giải cứu trẻ là hoàn toàn miễn phí.
Theo: Bình Yên – ấn phẩm Vì trẻ em số 14/ dansinh.dantri.com.vn