Tại Phiên thảo luận tại hội trường về báo cáo kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 7, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo lắng với các sản phẩm thuốc lá mới, đặc biệt đối với thanh thiếu niên- nguồn nhân lực quan trọng của đất nước. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng trong thời gian tới, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ dòng sản phẩm này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ
Hiện nay, các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng sử dụng trên thế giới và ở Việt Nam. Đây là nhóm sản phẩm công nghệ mới, được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Sản phẩm này được Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan y tế Việt Nam khuyến cáo có hại cho người dùng. Bằng chứng khoa học cho thấy các sản phẩm thuốc lá mới tồn tại nhiều nguy cơ gây hại. Các sản phẩm này có chứa nhiều chất độc hại, nguy cơ gây nghiện nicotine, gây ra các bệnh như ung thư, nhất là ung thư phổi.
Bên cạnh đó, sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe của cả người hút và người xung quanh. Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường…
Tiềm ẩn nguy cơ tẩm ướp ma túy
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ, nguy hiểm ở chỗ các loại thuốc lá mới hiện nay sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để tẩm ướp ma túy thông qua việc phối trộn trong khi lại nhắm vào đối tượng giới trẻ, thanh thiếu niên; nhắm vào thị hiếu của giới trẻ với bề ngoài bao bì hình ảnh bắt mắt thu hút trẻ em, thậm chí vỏ ngoài còn ghi là sữa…
Thuốc lá mới đang xâm nhập, có xu hướng được sử dụng ngày càng nhiều ở nước ta, nhắm vào đối tượng thanh thiếu niên
Theo Báo cáo của công an các địa phương, trong năm 2022, trên toàn quốc đã phát hiện bắt giữ, xử lý 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng “núp bóng” thực phẩm, đồ ăn, thuốc lá điện tử. Trong đó, tẩm ướp vào thảo mộc, thuốc lá điện tử 32 vụ, với 58 đối tượng; vật chứng thu giữ 124,1kg và 40,7 lít dung dịch có chứa chất ma túy loại ADB-BUTINACA dùng tẩm ướp, pha trộn, núp bóng dưới dạng thuốc lá điếu, tinh dầu thuốc lá điện tử.
Đến nay, 100% thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng xuất hiện tại Việt Nam đều là hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc cũng như chưa trải qua kiểm định khoa học nghiêm túc, toàn diện.
Nhắm đến đối tượng là thanh thiếu niên
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho biết, các sản phẩm thuốc lá mới du nhập vào Việt Nam trong thời gian ngắn, nhưng lại có xu hướng phát triển nhanh trên diện rộng. Qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tại địa phương, Báo cáo của các bộ ngành liên quan cho thấy, dù chưa có quy định cho phép nhập khẩu nhưng thuốc lá điện tử đang xâm nhập, được sử dụng ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh. Không quá khó để bắt gặp cảnh học sinh THPT hay sinh viên hút thuốc lá điện tử ngoài cổng trường, ở các hàng quán, thậm chí khi dừng chờ đèn đỏ…
“Tình trạng buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng. Ngoài ra, các nhà sản xuất đã, đang sử dụng nhiều cách thức khác nhau để thu hút giới trẻ, nhất là trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng thông qua rất nhiều hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang… Có hàng chục nghìn loại hương liệu thuốc lá điện tử. Dù chưa có doanh nghiệp nào phân phối song trên thị trường không thiếu loại thuốc lá này, thậm chí cả trong trường học. Các sản phẩm được quảng cáo, mua bán công khai trên mạng. Đang có khoảng trống pháp lý với loại hình này”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho hay.
Còn qua hoạt động giám sát của Ủy ban Xã hội cho thấy, tại Việt Nam trong 03 năm trở lại đây, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng. Theo kết quả nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020, cho thấy: Tỷ lệ học sinh hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp 8 đến 12 là 8,35%; ở học sinh lớp 10 đến 12 là 12,6%.
Cũng theo kết quả khảo sát này, năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%, đến năm 2020 đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%. Các sản phẩm của thuốc lá điện tử hầu hết được đưa về Việt Nam theo đường xách tay, nhập lậu và chưa có các số liệu thống kê cụ thể về thực trạng sử dụng. Việc mua bán chủ yếu được thực hiện qua mạng internet, các mạng xã hội mua bán của cá nhân, trao đổi, mua bán trên hội nhóm. Ngoài ra, một số địa điểm trưng bày và bán sản phẩm ở những điểm có nhiều đối tượng sử dụng, thậm chí có điểm bán gần khu vực trường học…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ đề cập đến thực trạng thuốc lá mới được bày bán tràn lan trên thị trường tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Nhấn mạnh thanh thiếu niên là lớp người trẻ tuổi, với đặc tính tò mò, thích khám phá thử nghiệm cái mới, muốn thể hiện bản thân nên rất dễ bị cuốn theo các trào lưu, tệ nạn xấu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ nêu rõ, thuốc lá mới là sản phẩm hướng mục tiêu đến giới trẻ, khiến thanh thiếu niên bắt đầu nghiện nicotine sớm hơn và tác hại sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn cả trước mắt và về lâu dài. Bằng chứng từ các nước cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy, thuốc lá điện tử là nguyên nhân cho việc bắt đầu sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên bởi bản chất vẫn là nghiện chất nicotine. Vì vậy, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nhiều khả năng trở thành người hút thuốc lá điếu thông thường. Điều này gây tác hại cho sức khỏe cho lớp người trẻ- nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển đất nước.
Đây cũng là vấn đề mà Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ rất trăn trở và đề cập ngay tại Phiên thảo luận tại hội trường về báo cáo kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua.
Cần từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý
Dưới góc độ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, phụ trách lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và từ những nguy hại thực tế của sản phẩm thuốc lá mới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần sớm giải pháp kiểm soát chặt chẽ dòng sản phẩm này, thậm chí cần nghiên cứu quy định cấm đối với đối tượng thanh thiếu niên, bởi đây là nguồn lực quan trọng của đất nước.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với các sản phẩm thuốc lá mới để có cơ sở quản lý hiệu quả. Làm rõ mức độ độc hại, nguy hiểm cụ thể thế nào, nhất là so với thuốc lá truyền thống. Làm rõ đối tượng sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên, học sinh đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt, việc biến tướng của thuốc lá điện tử, pha trộn ma túy, không kiểm soát được…
Trước mắt, trong ngắn hạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực này. Theo đó, phải có những biện pháp cụ thể để hoàn thiện khả năng quản lý, quản trị dòng sản phẩm thuốc lá mới như: phòng chống buôn lậu, kiểm soát quảng cáo các sản phẩm này, nhất là trên môi trường internet…
Lo ngại với các tác hại của thuốc lá mới đối với thanh thiếu niên- nguồn nhân lực quan trọng của đất nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng trong thời gian tới, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ dòng sản phẩm này.
Đặc biệt là phải tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông xã hội về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới. Tuyên truyền rộng rãi tới từng gia đình, các em học sinh, nhà trường và xã hội về những ảnh hưởng, tác hại của thuốc lá nói chung, và thuốc lá mới nói riêng. Làm sao để xã hội phải nhận thức rõ thuốc lá điện tử là dung dịch chiết xuất, cho nên có chứa nhiều hương liệu, và thậm chí những kẻ xấu lợi dụng sản phẩm để pha chế, đưa vào những chất gây nghiện, chất hướng thần, ma túy, cần sa… để đầu độc trẻ em và các thế hệ trẻ.
Về phương án lâu dài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá rất cần thiết để đưa ra quy định quyết liệt hơn. Tuy nhiên, theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ cần nhiều thời gian, dự kiến tối thiểu 3-5 năm mới có thể thực hiện việc sửa Luật.
Do vậy, cũng có nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết về nội dung này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ lưu ý, quy trình đề xuất, ban hành nghị quyết cũng không kém gì sửa luật. Do vậy, vẫn phải có những nghiên cứu, đánh giá tác động vững chắc, chặt chẽ, đảm bảo thuyết phục.
Trong lúc chờ các quy định cụ thể về cấm hay quản lý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng, các cơ quan chức năng có liên quan cần thực hiện nghiêm việc phòng chống buôn lậu, chống hàng giả, không rõ nguồn gốc… Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu hoặc hàng hóa chưa rõ nguồn gốc xuất xứ liên quan đến thuốc lá thế hệ mới. Với những trường hợp buôn lậu, bán với số lượng lớn, ngoài xem xét xử lý hành chính, có thể đề nghị các biện pháp xử lý khác mạnh hơn để tạo sự răn đe. Cùng với đó, các cơ quan quản lý thị trường, công an cũng cần nâng cao trách nhiệm của mình, vào cuộc xử lý nghiêm minh các trường hợp buôn bán, vận chuyển hàng lậu đối với các sản phẩm thuốc lá mới./.
Theo: Thu Phương – Nghĩa Đức/ quochoi.vn